1.BỆNH BẠCH HẦU LÀ GÌ?
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Bệnh do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch.
2.ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH
- Trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi trên 60 tuổi không được tiêm chủng vắc-xin bạch hầu.
- Những người sống trong điều kiện đông đúc hoặc mất vệ sinh.
- Bất cứ ai đi du lịch đến một khu vực đang có dịch bệnh bạch hầu.
3. ĐƯỜNG LÂY NHIỄM
- Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu.
- Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
- Do tiếp xúc với vết thương hở của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
- Ngoài ra, sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu.
4. BIỂU HIỆN
Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Một số người sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trong khi một số người khác sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và thường bị nhầm là cảm lạnh thông thường.
Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:
- Sốt
- Đau họng, ho, khản tiếng
- Chán ăn
- Da tái xanh
- Chảy nước dãi
- Có cảm giác lo lắng, sợ hãi, ớn lạnh
5. BIẾN CHỨNG
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các biến chứng bệnh bạch hầu vô cùng nguy hiểm, nếu không xử trí và điều trị kịp thời khi phát hiện những biểu hiện của bệnh thì có thể dẫn đến tử vong rất nhanh chỉ trong 6-10 ngày.
Một số biến chứng của bệnh bạch hầu:
- Tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống dẫn đến suy hô hấp
- Biến chứng viêm cơ tim thường xảy ra khi người bệnh ở giai đoạn toàn phát hoặc ài tuần sau khi khỏi bệnh.
- Tổn thương các dây thần kinh dẫn đến tê liệt, có thể xảy ra khoảng vài tuần sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh bạch hầu
- Liệt màn khẩu cái (màn hầu), thường xuất hiện vào tuần thứ 3 của bệnh
- Bàng quang mất kiểm soát
- Cơ hoành bị tê liệt
- Nhiễm trùng phổi (suy hô hấp hoặc viêm phổi)
- Tử vong
6. PHÒNG BỆNH
Bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị và hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc-xin.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần chú ý:
- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi hắt hơi hoặc ho; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
- Đảm bảo không giam nhà ở, trường học, các nơi công cọng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
- Với những người xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh cũng như các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.
Bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan nhanh, biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỷ lệ tử vong cao. Do đó, dù là trẻ em hay người lớn cũng cần tiêm vắc-xin đủ liều, đúng lịch, đồng thời đến bệnh viện điều trị ngay nếu phát hiện những triệu chứng bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm và hệ lụy đáng tiếc về sau.