Tên khoa học: Gymnema Sylvestre (Retz.) R. Br. Ex Schult..
Tên khác: Dây muôi.
Thuộc họ: Thiên lý ( Asclepiadoideae).
I. THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Dây thìa canh có chứa:
- Acid gymnemic - một loại hoạt chất thuộc nhóm saponin triterpenoid. Dịch chiết cây cũng cho thấy có thành phần alkaloids.
- Ngoài ra, cây còn chứa các thành phần khác như peptide Gumarin, flavone, anthraquinone, hentri-acontane, pentatriacontane, α và β- chlorophylls, phytin, resins, d-quercitol, acid tartaric, acid formic, acid butyric, lupeol,…
II. BỘ PHẬN SỬ DỤNG VÀ CÔNG DỤNG
1.Bộ phận sử dụng
Dây, lá.
2. Công dụng
Theo y học cổ truyền
Dây thìa canh thường dùng trị đái tháo đường bởi nó có khả năng giúp hãm vị ngọt và giúp điều chỉnh lượng đường ở ruột và kích thích tuyến tụy tiết ra insulin. Ở Ấn Độ và Trung Quốc, dây thìa canh là vị thuốc chữa trị rắn độc cắn rất hiệu quả. Ngoài ra, rễ cây còn được dùng chữa phong thấp, trĩ, các vết thương do dao, đạn và dệt chấy rận.
Theo y học hiện đại
- Điều hòa đường huyết và làm giảm đường huyết
Acid gymnemic có tác dụng kích thích sản sinh, tái tạo tế bào β-tụy đảo Langerhans, nhờ đó tăng sản sinh insulin, làm tăng hoạt lực insulin, giúp cơ thể thiết lập cân bằng đường huyết tự nhiên.
- Giảm mỡ máu, giảm nguy cơ bệnh tim mạch
Dây thìa canh có tác dụng làm tăng đào thải cholesterol toàn phần, do đó giảm mỡ máu, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch.
Dây thìa canh còn được ghi nhận là có tác dụng tăng HDL. Các hoạt chất trong dây thìa canh có tác dụng chống oxy hóa, tương đương với vitamin E nên cũng góp phần làm giảm tác hại của các gốc tự do.
III. LƯU Ý KHI DÙNG DÂY THÌA CANH
Dù có nhiều tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe, song dây thìa canh cũng mang lại một số rủi ro nếu sử dụng sai cách hay uống quá nhiều. Dưới đây là một số rủi ro khi dùng dây thìa canh sai cách:
- Hoa mắt, váng đầu: do dùng dây thìa canh quá liều khiến đường huyết giảm đột ngột. Hoặc uống trà dây thìa canh khi đói bụng cũng khiến cơ thể nôn nao, khó chịu
- Đầy bụng, khó tiêu: Uống trà dây thìa canh để qua đêm có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, gây khó chịu.
- Phản tác dụng chữa bệnh: Uống nhiều dây thìa canh để chữa bệnh tiểu đường có thể không mang lại hiệu quả gì mà còn phản tác dụng khiến người thêm mệt mỏi, tay chân run rẩy… Đặc biệt, khi uống thảo dược này cùng với aspirin có nguy cơ gây hạ đường huyết nguy hiểm.
- Gây tương tác thuốc: Các hoạt chất trong dây thìa canh có thể tương tác với một số loại thuốc, làm giảm công dụng của thuốc trị bệnh. Điều này có thể dây nguy hiểm cho cơ thể, đặc biệt là với những người bị bệnh nặng như tiểu đường, bệnh tim…