Tên khoa học: Rehmannia glutinosa Libosch
Họ hoa mõm chó: Schrophulariaceae
Tên vị thuốc: Sinh địa, Thục địa
Tên khác: Sinh địa.
I. Thành phần hóa học
Rễ củ Địa hoàng chứa:
- Iridoid glycozid; catalpol (trong rêc củ tươi), rehmaniosid A, B, C, D, ajugol, aucubin, melitosid…
- Ionon glucozid; rehmainonosid A, B, C và monoterpen glucosid là rehmapicrosid.
- Carbon hydrat; D - glucose, D - fructose, rafinose, stachyose…
- Các thành phần hóa học khác: axit amin, axit béo, catalpol, monomenosid…
Lá chứa các flavin chrysoeriol.
II. Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
1.Bộ phận dùng làm thuốc:
Rễ củ (Radix Rehmanniae gluticosae)
Tùy theo cách chế biến, ta có Sinh địa và Thục địa.
2. Công dụng:
Theo Y học cổ truyền:
Địa hoàng tươi có vị ngọt, đắng, tính hàn có tác dụng bổ âm, thanh nhiệt, sinh huyết, làm mát máu và cầm máu. Địa hoàng thường được dùng để chữa âm hư, phát nóng về chiều, khát nước nhiều, đái tháo đường, thiếu máu, suy nhược cơ thể, tạng chảy máu, thổ huyết, băng huyết, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, động thai, ban chẩn, viêm họng đau, tân dịch khô, tâm thần không yên, phiền não mất ngủ.
Thục địa có vị ngọt, mùi thơm, tính hơi ấm, có tác dụng tư âm, dưỡng huyết, bổ thận, làm đen râu tóc. Thục địa dùng để chữa âm hư, huyết suy, chứng nóng âm ỉ, cơ thể yếu mệt, ho khí suyễn, bệnh tiêu khát, kinh nguyệt không đều, làm sáng mắt, điều kinh, bổ huyết, sinh tinh, cơ thể tráng kiện và làm đen râu tóc.
Theo Y học hiện đại:
Sinh địa chứa nhiều glucozit, glucoza cùng carotene. Những loại thuốc chứa thành phần sinh địa sẽ đem đến các tác dụng như:
- Tác dụng kháng viêm: nước sắc của Địa hoàng làm giảm viêm rõ rệt đối với chuột cống thực nghiệm đã bị gây viêm bằng Formalin ở vùng chân đùi.
- Tác dụng hạ đường huyết trên động vật đái tháo đường với các thành phần hoạt chất là các iridoid glycozid A, B, C.
- Tác dụng an thần, lợi tiểu trên động vật thí nghiệm và thể hiện chống oxy hóa trên in vitro.
- Hạn chế tác hại không mong muốn của corticoid (một loại thuốc làm giảm hệ thống miễn dịch) trên tuyến yên và thượng thận nhưng không làm mất tác dụng của corticoid.
Lưu ý:
- Những người ăn uống kém hoặc khó tiêu, bụng đầy trướng, viêm đại tràng, đi ngoài lỏng,… cần thận trọng khi dùng dược liệu sinh địa vì tính hàn của vị thuốc có thể gây sôi bụng, tiêu chảy hoặc trướng bụng, đầy hơi, nôn mửa, đau bụng,…;
- Sinh địa có tính hàn, không thích hợp với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú;
- Không dùng sinh địa với lai phục tử để tránh gặp các tác dụng phụ;
- Ngừng thuốc ngay nếu có triệu chứng dị ứng hoặc quá mẫn.
Cây Địa hoàng là một vị thuốc quý được sử dụng trong nhiều bài thuốc Đông y. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các bài thuốc có thành phần địa hoàng.