Khaihapharco | Duockhaiha.com

Vị Thuốc Y Học Cổ Truyền

TÁC DỤNG CỦA NHÂN SÂM ĐỐI VỚI SỨC KHỎE CON NGƯỜI

Nhân sâm là một vị thuốc bổ quý hiếm, đứng đầu trong 4 vị thuốc thượng hạng của Đông y bao gồm sâm, nhung, quế, phụ. Nhân sâm là một "liều thuốc kỳ diệu" bởi vì nó có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Đặc biệt là phần rễ của nhân sâm có hiệu quả rất tốt trong việc điều hòa huyết áp.

Tên khoa học: Panax ginseng C.A.Mey (P.schinseng Nees.)

Họ: Araliaceae ( Ngũ gia bì)

nhung-loi-ich-suc-khoe-cua-nhan-sam1-800x450.jpg

I. Thành phần hóa học

Theo nhiều nghiên cứu, Nhân sâm có chứa nhiều hoạt chất:

  • Saponin sterolic, hỗn hợp saponin có tên panaxozit ( còn gọi là panaquilon hay panakilon)
  • Hỗn hợp glycoside panaxin gọi là gensenin.
  • Tinh dầu 0,055 – 0,25% chứa chủ yếu là panaxen (C15H24), khiến nhân sâm có mùi đặc trưng.
  • Vitamin B1, B2, các men diastase.
  • 3 – 7% tro trong đó acid phosphoric chiếm 53%.
  • 1,5% nhựa và acid béo hỗn hợp (acid palmitic, stearic, linoleic).
  • 0,029% phytosterin, 4% đường, 16 – 23% pectin, 20% tinh bột.
  • Hàm lượng germanium cao.

II. Bộ phận sử dụng và công dụng

1.Bộ phận sử dụng

Thân rễ và rễ ( thường gọi là củ).

2. Công dụng

Theo y học cổ truyền

Nhân sâm có vị ngọt, hơi đắng, quy vào 2 kinh phế và tỳ. Theo nhiều tài liệu, nhân sâm mang tác dụng đại bổ nguyên khí (bổ 5 tạng tâm, can, tỳ, phế, thận), ích huyết sinh tân, định thần, ích trí, sáng mắt, tăng tuổi thọ. Do đó, nhân sâm được dùng trong các trường hợp ho, suyễn , tiêu chảy, nôn mửa , bệnh lâu ngày dẫn đến khí hư, sợ hãi, tiêu khát…

Theo y học hiện đại

Theo nhiều nghiên cứu, nhân sâm có các tác dụng:

Trên hệ thần kinh: Tăng cường quá trình hưng phấn của vỏ não, làm giảm mệt mỏi, tăng hiệu suất công việc, tăng cường thể lực và trí lực, cải thiện giấc ngủ . Liều quá cao nhân sâm có thể gây trấn tĩnh.

Trên tim mạch: Liều thấp gây tác động tăng cường độ và số lần co bóp tim, liều cao gây tác dụng hạ huyết áp, ức chế tim mạnh.

Trên hô hấp: Khi tiêm tĩnh mạch ở thỏ và mèo, liều nhỏ nhân sâm làm tăng hô hấp, liều cao gây tác dụng ngược lại.

Chuyển hóa: Nhân sâm có tác dụng hạ đường huyết, có thể dùng phối hợp với insulin ở bệnh nhân đái tháo đường.

Trên sự sinh trưởng và phát dục: Nhân sâm giúp tăng trọng lượng cơ thể động vật thử nghiệm và kéo dài thời gian giao phối.

Ngoài ra, thực nghiệm cho thấy nhân sâm giúp tăng sức đề kháng ở động vật.

2-tsttourist-nhan-sam-han-quoc-co-tac-dung-gi.jpeg

III. Tác dụng phụ của nhân sâm

Nhân sâm là một vị thuốc bổ cho cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng nhân sâm bạn có thể gặp một số tác dụng không mong muốn cho cơ thể. Cụ thể là, sau vài ngày sử dụng nhân sâm, bạn có thể xuất hiện cảm giác bồn chồn và dễ kích thích. Do tác dụng của nhân sâm có thể làm giảm lượng đường trong máu nên có thể gây ra giảm khả năng tập trung và tụt đường máu.

Đồng thời, nhân sâm có tác dụng giống estrogen nên không nên dùng cho phụ nữ người mang thai, phụ nữ đang cho con bú và trẻ em. Nguyên nhân là do, đã có những báo cáo về sự ảnh hưởng nghiêm trọng hơn như các cơn hen, tăng huyết áp, đánh trống ngực và chảy máu tử cung ở những phụ nữ sau khi mãn kinh.

Mặt khác, nhiều người do chưa quen sử dụng sẽ cảm thấy nhân sâm có mùi khá khó chịu.

IV. Lưu ý khi sử dụng Nhân sâm

Nhân sâm là loại thuốc bổ khí đầu vị, song không phải có thể sử dụng cho mọi đối tượng. Một số nhóm người không sử dụng được nhân sâm như sau:

  • Người thường xuyên bị đầy hơi, trướng bụng, căng tức, đau bụng, sôi bụng, phân nát, lỏng hoặc tiêu chảy không được dùng.
  • Đặc biệt, người đang bị đau bụng, tiêu chảy, dùng nhân sâm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Người bị nôn mửa, trào ngược dạ dày, tăng huyết áp cũng không nên sử dụng. Nguyên nhân là do sâm lúc đầu có tác dụng tăng huyết áp, sau lại hạ. Do vậy nếu ở trạng thái tăng huyết áp dễ dẫn đến nguy cơ bệnh tai biến mạch máu não .
  • Phụ nữ trước khi sinh nở cũng không nên dùng nhân sâm.
  • Người hay mất ngủ nhưng sức đề kháng yếu mà muốn dùng nhân sâm nên dùng buổi sáng với liều lượng thấp, khoảng 2-3g/ngày. Cần lưu ý không dùng lô sâm (hay là đầu núm rễ củ sâm), vì có tác dụng gây nôn.
  • Trẻ em có thể trạng yếu, kém ăn, chậm phát triển về thể lực và tinh thần có thể dùng nhân sâm, song không nên quá lạm dụng vì sẽ làm cho trẻ có nguy cơ bị kích dục sớm.